Được một hôm thăm ngôi nhà cụ Huỳnh Thúc Kháng, nguyên quán Tiên Phước – Quảng Nam, được nghe tiểu sử cũng như câu chuyện cuộc đời khảng khái và chính trực của ông. Cảm thấy bản thân nhìn nhận được nhiều điều cần thiết trong lối sống của chính mình, một chút hổ thẹn trước tấm gương quá ngời sáng lại thấy động lực để được phấn đấu nhiều hơn!
Mặc dầu được nghe rất nhiều câu chuyện thú vị từ khi ông mới là một đứa trẻ lên 8 với trí nhớ và tài năng thiên bẩm mà ít được kể trên nhiều tài liệu online. Sẽ tìm đọc và hoàn thiện lại tiểu sử của ông, các bạn có thể đọc tạm từ bản bên dưới.
🌸 Tiểu sử cụ Huỳnh Thúc Kháng
Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh ngày 1 tháng 10 năm 1876, quê làng Thạnh Bình – Tiên Phước, là một người thông minh học giỏi, một chí sĩ yêu nước. Đỗ Tiến sĩ năm 1904, đến năm 1908, cụ Huỳnh đứng đầu phong trào Duy Tân ở miền Trung, bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo. Năm 1927 sau khi ra tù, cụ Huỳnh thành lập tờ báo Tiếng Dân nhằm tuyên truyền đấu tranh yêu nước. Sau khi cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, cụ Huỳnh được Bác Hồ mời ra làm Bộ Trưởng Bộ Nội vụ rồi có thời gian giữ chức quyền Chủ tịch nước. Năm 1947, cụ Huỳnh mất tại Quảng Ngãi khi đi kinh lý Miền Trung.
Huỳnh Thúc Kháng 8 tuổi đi học, 13 tuổi đã văn hay chữ tốt, 16 tuổi đi thi Hương, nổi tiếng ở Kinh đô Huế, sánh cùng Trần Quý Cáp, Phạm Liệu, được xếp vào hạng Tam hùng, năm 29 tuổi ông đỗ Tiến sĩ, được nhân dân sở tại gọi là Ngũ hổ. Ông là một trong những nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân mới được trả về đất liền, ứng cử vào Viện Dân biểu Trung kỳ năm ông 51 tuổi, sau hai năm ông từ chức.
🌸 Chí sỹ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947)
Ngày 10/8/1927, ông sáng lập ra nhà in và báo tiến Dân cho đến năm 1943. Suốt thời gian này ông vừa làm chủ nhiệm nhà in Huỳnh Thúc Kháng và chủ bút tờ báo Tiếng dân. Ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra tham gia nội các Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ sau cách mạng tháng Tám 1945 thành công. Đến năm 1946, khi Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa sang Pháp đàm phán, Huỳnh Thúc Kháng được cử làm Quyền Chủ tịch nước. Thời gian này cụ còn là chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân. Cuối năm 1946, cụ là đặc phái viên của Chính phủ vào cơ quan Uỷ ban Kháng chiến hành chính nam Trung Bộ tại Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.
Nghĩa Hành lúc bấy giờ là an toàn khu, là Thủ phủ của vùng tự do Liên Khu V. Nhiều cơ quan chính quyền các cấp, nhiều đơn vị bộ đội vệ quốc đoàn đóng tại nhà dân. Quân với dân như “cá với nước”. Ngoài trong thống nhất, trên dưới một lòng quyết tâm đánh thắng giặc pháp xâm lược.
Tháng 3/1947, cụ Huỳnh Thúc Kháng lâm bịnh nặng và qua đời đúng vào ngày 21/4/1947 tại gia đình chị Võ Thị Tuyết thôn Phú Bình, xã Hành Phong, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Làm theo tâm nguyện của cụ, nhân dân đã đưa cụ lên an táng trên đỉnh núi Thiên Ấn. Nơi đây là đệ nhất thắng cảnh của Quảng Ngãi – “Thiên Ấn niên hà” (Ấn trời đóng xuống sông).
Trong khi tiến hành lễ quốc tang cụ Huỳnh Thúc Kháng, Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Ban tổ chức lễ tang đã trang trọng uy nghiêm đọc bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi vào: “Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà Cụ trước đây bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường gian nan cực khổ, nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của Cụ chẳng những không sờn, mà lại thêm cương quyết. Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm siêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan.
Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời Cụ Huỳnh chỉ phấn đầu cho dân được tự do, nước được độc lập, đến ngày nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập Chính phủ ta mời Cụ ra. Tuy đã 71 tuổi, nhưng Cụ vẫn hăng hái nhận lời, Cụ nói: “Trong lúc phục hưng dân tộc, xây dựng nước nhà thì bất kỳ già, trẻ, trai, gái, ai cũng ra sức phụng sự Tổ Quốc. Cụ Huỳnh tạ thế, nhưng cái chí vì nước, vì nhà của Cụ vẫn luôn sống mạnh mẽ trong lòng hai mươi triệu đồng bào chúng ta”.
Và, trong bài điếu văn “Thương tiếc cụ Huỳnh Thúc Kháng” đọc đầy xúc động của đại diện Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh Quảng Ngãi đã kết thúc bằng hai vế đối thật súc tích, đầy ý nghĩa. Làm nghệ sĩ không vinh, tù Côn Lôn không nhục, khí tiết cội Tùng trơ mộ gốc Lãnh Bộ trưởng trọn tài, quyền Chủ tịch trọn đức, tinh anh sao Vĩ chiếu ngàn thu”.
🌸 Về Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng
Là di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia, thuộc thôn 1, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Tam Kỳ khoảng 35 km về phía tây.
Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng là ngôi nhà cũ tọa lạc trong khu vườn rộng có diện tích gần 4.000m2 do thân sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng xây dựng từ năm 1869, theo lối kiến trúc rất phổ biến dưới thời nhà Nguyễn. Ngôi nhà gồm 3 gian, mái ngói, khung sườn gỗ với những đường nét chạm trổ tinh xảo. Tổng thể kiến trúc bên trong mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn với các trính lượn cong, trên trính có các trỏng quả kê trên con đội chạm hình đầu lân. Một căn bếp được xây dựng kề với nhà trên và được nối bởi một cửa bên hông. Bên trái và bên phải nhà được ngăn nhô ra phía trước. Bên phải là phòng ăn chung cả gia đình. Phía trái có ngăn phòng lồi là nơi cụ Huỳnh Thúc Kháng làm việc.
Gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên, quanh bàn thờ có chạm khắc hoa văn cách điệu hình con dơi ngậm chuỗi vòng và một đôi rồng bằng gỗ mít. Chính giữa bàn thờ đặt mục chủ (đề tên các ông bà, thân nhân của cụ Huỳnh đã qua đời). Phía trước là mục thấp hơn, hiện thờ cụ Huỳnh Thúc Kháng. Hiện trong ngôi nhà vẫn còn bảo tồn được không gian làm việc khi xưa của cụ Huỳnh cùng những vật dụng sinh thời cụ Huỳnh hay dùng trong đó có cả chiếc áo cụ Huỳnh mặc khi tham gia chính phủ năm 1946….
Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng đến nay đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần, đây không chỉ là di tích cấp quốc gia, mà còn là một “địa chỉ đỏ” để thế hệ trẻ tìm về nhận diện truyền thống, tiếp nối chí hướng cha ông.
Nguồn: quangnam.gov.vn