“Quê hương có gì đặc sản?”, cô sinh viên năm nhất Trường đại học Kinh tế TP.HCM lúc đó rất lúng túng. Từ đó, ý định “thay đời đổi phận” cho nông sản, đặc sản xứ Quảng nhen nhóm trong cô.
Nguyễn Kiều Bảo Hân, 26 tuổi, hiện là nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Công ty TNHH Hapinut, doanh nghiệp tiên phong trong việc nghiên cứu và sản xuất mì Quảng khô.
Làm “cò” xe tích tiền khởi nghiệp
“Nhóm bạn đại học hẹn nhau mỗi người mang theo một ít đặc sản truyền thống đến lớp để mở tiệc. Quê tôi cũng nhiều đặc sản, nhưng tất cả đều là hàng tươi. Tôi chỉ biết hẹn mọi người một lần ghé Quảng Nam để được mời đặc sản quê”, Bảo Hân mở đầu câu chuyện.
Sinh ra trong gia đình ba đời làm nghề truyền thống ở huyện Đại Lộc, các đặc sản của tỉnh Quảng Nam không thiếu nhưng Hân bứt rứt khi nhìn ra được những hạn chế khiến đặc sản truyền thống xứ Quảng không thể “cất cánh”.
Hân bắt tay vạch ra một kế hoạch dài hơi. Ngoài việc học ở trường lớp, mọi khoảng thời gian trong ngày được Hân dành hết cho việc đọc sách ở thư viện hay tham gia các buổi chia sẻ kinh nghiệm start-up, trò chuyện cùng chuyên gia. Với Hân, “kinh nghiệm thực chiến mới là điều quan trọng giúp ích cho mình sau này”.
Đặc biệt nhất vẫn là việc Hân kiếm tiền bằng cách làm “cò” rao bán xe. “Lúc đó tôi tự ra chợ Nhật Tảo (quận 10, TP.HCM) tìm mua những phụ tùng để làm lại chiếc Cub 67 của mình rồi rao bán. Từ tiền cò, hoặc mua bán xe đó, rồi tiền lương và một vài khoản thu nhập từ công việc khác, tôi bắt đầu thực hiện dự án”, Hân cười.
Nâng tầm nông sản quê
Tưởng chừng khó khăn nhất trong khởi nghiệp là ý tưởng hay nguồn vốn, với Hân lại không dừng lại ở đó, bởi những gì mà cô theo đuổi hầu như không nhận được sự đồng tình nào từ gia đình, người thân cho tới bạn bè. “Mọi người nói dân vùng khác không biết ăn mì Quảng khô, dùng dầu đậu phộng… nhưng chẳng ai nghĩ rằng tôi lo được việc đó. Nếu khách hàng chưa biết ăn thì mình tập cho khách ăn, khách dùng, học tập bao năm để làm gì”, Hân khăng khăng giữ vững lập trường.
Giữa năm 2019, Hân bắt đầu hành trình bằng cách thành lập Công ty Hapinut. Sản phẩm đầu tiên mà Hapinut cho ra “lò” là dầu đậu phộng xứ Quảng. 300kg đậu phộng nguyên liệu cho đợt hàng đầu tiên của Hapinut đều do một tay Hân tự thu mua, vận chuyển bằng xe bò kéo về xưởng.
Cô cũng đã “hoán đổi mình” để tròn vai hơn với một nhân viên bán hàng, giới thiệu sản phẩm và bán hết 100 lít dầu đậu phộng thành phẩm đầu tiên của Hapinut tại TP.HCM.
Sản phẩm dầu đậu phộng xứ Quảng nhanh chóng được Hân đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ. “Đi đâu ai cũng cười vì lúc nào cũng thấy con bé này cứ tay xách nách mang đủ thứ trên người. Vì sản phẩm còn mới, gặp ai mình cũng tranh thủ chào hàng, 100 lít đầu tiên bán hết trong 1 tháng”, Hân kể.
Mất hơn 6 tháng, đó là khoảng thời gian mà Hân cùng các cộng sự đã bỏ ra để đi đi về về khắp các làng nghề truyền thống từ Nam chí Bắc để tìm ra cách tối ưu trong sản xuất các mặt hàng nông sản Việt. Từ đó, cô tiếp tục phát triển sản phẩm đặc sản mang tên dự án “Sợi Ngọc xứ Quảng”, trong đó gồm sợi bún và mì Quảng truyền thống.
Một nhà máy với nền tảng, quy trình sản xuất truyền thống thuần tự nhiên nhưng được tự động hóa nhằm tăng năng suất được Hân và các cộng sự gầy dựng nên. Và để đảm bảo tính ổn định cả về số lượng lẫn chất lượng của nguyên vật liệu, Hân gõ cửa từng sở, ban, doanh nghiệp của tỉnh Quảng Nam để nhờ hỗ trợ.
Hiện mỗi ngày, công ty của Hân cung cấp ra thị trường khoảng 2 tấn sản phẩm khô và 5 tấn sản phẩm tươi, từ đó giải quyết được rất lớn nhu cầu đầu ra của nông sản cho nông dân ở quê.
Một số dòng sản phẩm chính của Hapinut (gồm mì Quảng khô, bún tươi, mì sợi, bún gạo lức, dầu đậu phộng xứ Quảng, bơ đậu phộng, kẹo đậu phộng, bánh tráng Đại Lộc) đã “phủ sóng” hầu hết trên các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam. “May mắn khi giờ đây các đặc sản truyền thống xứ Quảng đã có thể hiện diện trên các giỏ quà tặng hay những kệ bếp của đông đảo gia đình”, Hân chia sẻ.
2km có 1 ki ốt
Với những giá trị mang lại, Hapinut đã đạt được một số giải thưởng như: giải Dự án khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam năm 2020, giải khuyến khích cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn 2021 của Trung ương Đoàn, Top 10 chương trình Dự án khởi nghiệp quốc gia về Khởi nghiệp tạo tác động xã hội năm 2021…
Đặc biệt hơn khi Hapinut đã xây dựng được kênh bán lẻ với quy mô gần 50 ki ốt rải khắp xã Đại Đồng (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), từ đó mang lại công ăn việc làm, đảm bảo thu nhập cho hàng chục chị em phụ nữ của xã. Kế hoạch trước mắt, Hân dự tính nhân rộng mô hình “2km có 1 ki ốt” chinh phục thị trường Quảng Nam. Nhiều dòng sản phẩm của Hapinut cũng được Hân chào hàng và dự kiến xuất khẩu đến nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc trong tháng tới.
Tác giả: Công Triệu